da-bao-gio-cha-noi-voi-con-tai-sao-cha-tro-thanh-mot-nha-kinh-te-chua

Đã bao giờ cha nói với con tại sao cha trở thành một nhà kinh tế chưa?

Từ thế kỷ XIX, các nhà kinh tế viết sách và báo, ngày nay xuất hiện trên TV, đài phát thanh và trực tuyến, đã trở thành tông đồ của xã hội thị trường. Khi người bình thường nghe hoặc đọc chúng, họ có xu hướng rút ra kết luận này: Nền kinh tế quá kỹ thuật và nhàm chán, tốt nhất mình không nên để ý. Mình nên giao nó cho các chuyên gia. Đúng, ngoại trừ sự thật là không có chuyên gia thực sự, và nền kinh tế quá quan trọng nên không thể giao phó cho các nhà kinh tế được. Như chúng ta đã thấy trong cuốn sách này, các quyết định kinh tế quyết định mọi thứ, từ giản đơn đến phức tạp. Giao lại nền kinh tế cho các chuyên gia cũng giống như những người sống trong thời Trung cổ giao phó phúc lợi của họ cho các nhà thần học, hồng y và các quan tòa dị giáo Tây Ban Nha. Đó là một ý tưởng khủng khiếp.

Đã bao giờ cha nói với con tại sao cha trở thành một nhà kinh tế chưa? Bởi vì cha từng từ chối giao phó nó cho các chuyên gia. Càng hiểu về các lý thuyết và toán học của các nhà kinh tế, cha càng nhận ra rằng những người được gọi là chuyên gia trong các trường đại học lớn, những chuyên gia xuất hiện trên màn hình TV, trong các ngân hàng và các bộ tài chính... không biết gì hết. Người thông minh nhất trong số họ đã tạo ra những mô hình tuyệt vời chỉ có thể giải quyết bằng toán học, và nếu trước hết thực tế về lao động, tiền bạc và nợ được mô tả trong cuốn sách này phải được loại bỏ khỏi những mô hình đó, khiến những mô hình đó không liên quan đến xã hội thị trường. Phần còn lại, những nhà bình luận kinh tế hạng hai, không chỉ không hiểu về các mô hình của những nhà kinh tế học vĩ đại, người mà họ tôn thờ, mà đáng chú ý là dường như họ không nhận thấy rằng họ không hiểu chúng.

Càng nghe những chuyên gia kinh tế này nói về nền kinh tế, cha càng thấy họ giống như những nhà hiền triết hay nhà tiên tri từ thời kỳ tiền hiện đại. Và đó không phải là tình cờ. Vào những năm 1930, nhà nhân chủng học người Anh E. E. Evans–Pritchard đã dành thời gian nghiên cứu về xã hội của Azande, một bộ lạc châu Phi. Khi sống cùng với họ, ông quan sát thấy rằng người Azande rất tin tưởng vào nhà tiên tri của họ, người đưa ra những lời tiên đoán giống như người Hy Lạp đã làm với Kinh tiên tri Delphi. Tuy nhiên vì những lời tiên tri này hóa ra thường là hoàn toàn không chính xác, ông tự hỏi làm thế nào những nhà tiên tri này xoay sở để duy trì được sức mạnh không thể lay chuyển của họ đối với bộ lạc. Lời giải thích của Evans–Pritchard về niềm tin kiên định của người Azande vào sự không thể sai lầm của các nhà tiên tri như sau: ‘Người Azande cũng nhận thấy, như chúng ta, rằng sự thất bại trong tiên đoán của các nhà tiên tri thực sự cần một lời giải thích, tuy nhiên họ bị vướng vào trong những khái niệm huyền bí mà họ phải sử dụng để giải thích cho sự không chính xác của các lời tiên tri. Sự trái ngược giữa kinh nghiệm và một khái niệm thần bí được giải thích theo những khái niệm thần bí khác.’

Ngày nay, các chuyên gia kinh tế cũng không có nhiều khác biệt. Bất cứ khi nào họ không dự đoán đúng một số hiện tượng kinh tế, gần như luôn luôn, họ sẽ giải thích cho sự thất bại của mình bằng cách viện dẫn những quan niệm kinh tế thần bí tương tự đã làm họ thất bại ngay từ đầu. Đôi khi các khái niệm mới được tạo ra chỉ để giải thích cho sự thất bại của những người trước đó.

Chẳng hạn khái niệm ‘thất nghiệp tự nhiên’ được tạo ra để giải thích cho sự thất bại của các xã hội thị trường trong nỗ lực tạo ra việc làm đầy đủ và giải thích cho sự thất bại của các chuyên gia trong việc giải thích sự thất bại này. Tổng quát hơn, thất nghiệp và hoạt động kinh tế trì trệ được coi là bằng chứng của việc không đủ cạnh tranh, sẽ được xử lý bằng ma thuật của ‘bãi bỏ các quy định’ – giải phóng các chủ ngân hàng và tài phiệt khỏi sự kiềm chế của chính phủ. Nếu việc bãi bỏ các quy định không mang lại hiệu quả, tư nhân hóa nhiều hơn được cho là có thể thực hiện các thủ thuật thay thế. Khi ngay cả điều này cũng thất bại, đó hẳn là lỗi của thị trường lao động vốn phải được giải phóng khỏi sự can thiệp của các công đoàn và sự cản trở của các chính sách an sinh xã hội. Và như thế, các lý lẽ cứ tiếp diễn.

Chính xác thì các chuyên gia kinh tế ngày nay có gì khác so với các nhà tiên tri Azande?

Nhiều người sẽ nói với con rằng cha của con không biết mình đang nói gì; rằng kinh tế học là một khoa học. Giống như vật lý sử dụng các mô hình toán học để mô tả tự nhiên, kinh tế học sử dụng các mô hình toán học để tiết lộ hoạt động của nền kinh tế. Thật vô nghĩa.

Các nhà kinh tế sử dụng các mô hình toán học đáng yêu cùng một đội ngũ các công cụ và dữ liệu thống kê. Nhưng điều này không thực sự khiến họ trở thành nhà khoa học, ít nhất là không giống như cách mà các nhà vật lý là nhà khoa học. Không giống như vật lý, trong đó tự nhiên là thẩm phán vô tư của tất cả các dự đoán, kinh tế học không bao giờ có các bài kiểm tra khách quan. Không chỉ khó, mà còn không thể tạo ra một phòng thí nghiệm trong đó các điều kiện kinh tế có thể được kiểm soát và nhân rộng đủ để bất kỳ thí nghiệm khoa học nào có hiệu lực – để kiểm tra, ví dụ như lịch sử thế giới phát triển như thế nào nếu vào năm 1929, nhà nước đã in tiền cho người nghèo thay vì chọn thắt lưng buộc bụng, hoặc Hy Lạp sẽ ra sao nếu vào năm 2010, nhà nước Hy Lạp bị phá sản từ chối nhận khoản vay lớn nhất trong lịch sử với các điều kiện khắc khổ nhất từng xảy ra. Khi các nhà kinh tế khẳng định rằng họ cũng là nhà khoa học vì họ sử dụng toán học, họ không khác gì các nhà chiêm tinh phản đối rằng họ cũng khoa học như các nhà thiên văn học vì họ cũng sử dụng máy tính và các biểu đồ phức tạp.

 

Như con có thể hình dung, các nhà kinh tế học đồng nghiệp rất tức giận với cha, khi cha nói với họ rằng chúng ta phải đối mặt với một lựa chọn: tiếp tục giả vờ rằng chúng ta là nhà khoa học, giống như các nhà chiêm tinh học, hoặc thừa nhận rằng chúng ta giống như các nhà triết học, những người sẽ không bao giờ biết chắc chắn ý nghĩa của cuộc sống, cho dù họ tranh luận khôn ngoan và hợp lý như thế nào. Nhưng nếu chúng ta thú nhận rằng chúng ta là những nhà triết học tốt nhất thế giới, có khả năng chúng ta sẽ không tiếp tục được khen thưởng hậu hĩnh bởi tầng lớp thống trị của một xã hội thị trường, mà tính hợp pháp của nó được chúng ta cung cấp bằng cách... giả vờ làm nhà khoa học.

Dtbooks