dau-la-ly-do-nha-phan-tich-du-lieu-cua-facebook-viet-sach-ve-an-kieng

Đâu là lý do nhà Phân tích dữ liệu của Facebook viết sách về ăn kiêng?

Dan Zigmond - Giám đốc phân tích dữ liệu của Facebook, đồng thời là một thiền sư, đã cùng người bạn của mình là Tara Cottrell – nhà văn, chiến lược gia kỹ thuật số, viết cuốn sách gây chấn động trong giới khoa học dinh dưỡng.

 


 Sau đây là những chia sẻ của ông về tác phẩm được đón nhận đặc biệt này:

“Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ viết một cuốn sách về chế độ ăn. Vậy mà tôi đã thực hiện việc đó. Có lẽ một số bạn đọc tò muốn biết lý do vì sao.

Tôi là một nhà khoa học số liệu. Với vai trò là Giám đốc Phân tích dữ liệu của Facebook, tôi dành thời gian của mình để nghiền ngẫm về cách con người dùng Facebook và làm sao để Facebook trở nên hữu ích hơn với họ. Sau nhiều giờ làm việc, tôi viết lách chút ít và tu tập theo Đạo phật. Thỉnh thoảng tôi có khoá dạy ở một ngôi chùa gần nhà. Chẳng có công việc nào tôi làm liên quan đến vấn đề dinh dưỡng cả.

Cũng như rất nhiều người trưởng thành, tôi tăng cân sau khi tốt nghiệp đại học. Cũng không phải quá nhiều và không tăng vọt một lúc. Sau vài năm tôi phải mua chiếc quần Levis cỡ lớn hơn, và sau vài thập kỷ tôi đã vượt qua ranh giới thừa cân trên biểu đồ cân nặng. Tôi dành phần lớn thời gian những năm qua làm việc với một số công ty công nghệ ở thung lũng Silicon, điều đó cho tôi chút cơ hội tập tành và nhiều số liệu miễn phí. Tôi thử tạo một chút thay đổi – giảm bớt món tráng miệng, không ăn vặt thả phanh, tập thể dục một chút – nhưng điều đó chẳng mang lại kết quả. Tôi không quá lo lắng về chuyện này, nhưng mỗi khi đứng cạo râu hay thay đồ vào buổi sáng, cơ thể của tôi cảm thấy không được ổn cho lắm. Nó không cảm thấy khá khẩm gì. Nó không có cảm giác là chính tôi.

Rồi vào năm 2014 tôi bắt đầu công việc ngắn hạn ở một công ty khởi nghiệp về thực phẩm ở San Francisco với tư cách Phó chủ tịch dữ liệu. Đột nhiên thay vì dành thời gian cả ngày với các kỹ sư phần mềm, tôi được vây quanh bởi các nhà khoa học về thực phẩm, các nhà thực vật học và các đầu bếp thành đạt – hầu hết họ là những người trẻ trung, khỏe mạnh và đam mê ẩm thực. Có vẻ như mọi người đều ăn kiêng – không hẳn là để giảm cân nhưng để nuôi dưỡng cơ thể và hàn gắn hành tinh. Mọi người ăn chay, thực phẩm không chứa gluten, ăn kiêng kiểu Paleo, ăn kiêng no-carb. Họ trao đổi về những lựa chọn thực phẩm này hầu như suốt ngày.

Một trong những nhà khoa học bạn tôi, Matt Baggott, cũng thường trò chuyện về các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe. Một ngày nọ anh email cho tôi một nghiên cứu việc ăn kiêng giới hạn thời gian, khi những chú chuột được phép ăn thả cửa theo ý thích nhưng chỉ được ăn vào một số giờ trong ngày. Cho dù lũ chuột này được cho ăn các thực phẩm không giới hạn chất béo và nhiều đường, chúng vẫn không bị phát phì – miễn là chúng chỉ ăn trong một khoảng thời gian nhất định. Trong bữa trưa hôm đó tôi nhắc lại rằng mình từng sống ở trong một ngôi chùa Phật giáo tại Thái Lan nhiều năm trước, và đây cũng là cách mà các nhà sư ở đây ăn uống. Họ không tuân theo một chế độ ăn kiêng thực sự, nhưng họ chỉ được ăn trong khoảng từ sáng cho tới trưa. Lũ chuột trong nghiên cứu của Matt không theo một lịch ăn uống quá khắt khe – chúng ăn trong khung thời gian 9 giờ - nhưng dường như cũng giống với ý tưởng này.

Matt rất hào hứng về nghiên cứu này, và tôi bị thu hút gấp đôi vì có sự liên quan đến Phật giáo, vì thế tôi đã quyết định thử. Chỉ mất vài ngày để tạo một thói quen với khoảng 1 tuần tôi đã thu gọn được khung thời gian ăn uống trong vòng 9 giờ mỗi ngày. Tôi bắt đầu ăn sáng ngau sau khi tới chỗ làm và ăn tối ngay khi tôi về nhà hoặc thậm chí là ăn trên tàu khi tôi phải làm việc muộn. Thoạt đầu nó có vẻ kỳ lạ, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra mình ngủ tốt hơn và thức dậy với cảm giác nhẹ nhàng hơn và tràn đầy năng lượng hơn. Tôi không còn rơi vào tình trạng lờ đờ mỗi tối hoặc lên giường với cảm giác ậm ạch vì ăn quá nhiều kem trong lúc ngồi trước TV. Tôi bắt đầu giảm cân.

Trong khoảng gần 1 năm tôi đã giảm hơn 20 pound (hơn 9kg). Giờ đây tôi phải mua chiếc quần jeans nhỏ hơn sau mỗi vài tháng

Bạn tôi, Tara Cottrell, nhận ra sự thay đổi này và đã hỏi tôi về bí quyết. tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng cô ấy trông có vẻ tăng ký, nhưng tôi biết cô đã phải vật lộn với thực phẩm và ăn kiêng trong nhiều năm. Vì thế tôi nói cho cô ấy về hệ thống giới hạn thời gian này và cô ấy cũng bị hấp dẫn ngay, bèn quyết định thử nó. Cô ấy cũng giảm ký – không nhiều như tôi, nhưng cô ấy thì không có quá nhiều ký để giảm. Và cũng giống như tôi, cô cảm thấy ăn theo cách mới này thật tuyệt.

Tara khuyến khích tôi viết một cuốn sách về ăn kiêng. Tôi thoạt tiên rất hoài nghi, nhưng cô bắt đầu nhắn tin cho tôi lý do vì sao cô thích cách ăn này. Cô nói những câu đại loại như: “Cuộc sống vốn quá phức tạp với một chế độ ăn kiêng phức tạp.” Và “Tất cả những chế độ ăn kiêng khác đều như một hình phạt và biến thực phẩm tôi yêu thích thành phần thưởng. Cho bọn trẻ lên giường ngủ đúng giờ ư? Tuyệt, tôi sẽ được thưởng thức một chiếc bánh doughnut nhỏ!” Thậm chí cô còn gợi ý một dòng mở đầu cho cuốn sách: Đức Phật vốn gầy. Một hôm, tôi đã tập hợp tất cả những đoạn cô viết gửi cho tôi và kết nối chúng với nhau, được khoảng ba trang, phần lớn chúng hiện là phần giới thiệu của cuốn sách. Tôi gửi chúng lại cho Tara và nói rằng tôi chỉ viết phần còn lại của cuốn sách nếu cô làm cùng tôi. Chúng tôi quyết định đồng ý và bắt tay vào thực hiện. Đó là tháng 3 năm 2015.

Viết sách chung có rất nhiều niềm vui. Những người bạn khác đã thử chế độ ăn kiêng này và tỏ ra thích nó. Chúng tôi đắm mình vào trong các tài liệu khoa học về dinh dưỡng, tập luyện, giấc ngủ và mọi thứ của chủ đề ăn kiêng để hiểu tại sao một chế độ ăn kiêng như này có thể có hiệu quả. Tôi đã đọc rất nhiều kinh điển Phật giáo mà tôi từng học trước đó, và xem lại những đoạn mà tôi rất thích. Có lẽ tôi dành thời gian buổi sáng với tờ tạp chí y khoa mới mà Tara gửi tôi, và rồi cả buổi chiều giải mã những văn bản thiêng khó hiểu. Tôi nhận ra rằng bản thân Đức Phật cũng là một nhà khoa học số liệu – luôn luôn đòi hỏi các đệ tử phải dựa vào chứng cứ chứ không phải chỉ có đức tin; đó cũng là điều chúng tôi cố gắng làm với cuốn sách này.

 

Chúng tôi đôi khi tự hỏi Đức Phật có chấp thuận một cuốn sách về ăn kiêng hay không. Chúng tôi không muốn đóng góp thêm vào sự ám ảnh thiếu lành mạnh của bất kỳ ai về cơ thể và cân nặng của họ. Đức Phật chắc chắn chẳng muốn điều đó rồi. Nhưng đồng thời chúng tôi biết nhiều người đang vật lộn trong mối quan hệ với thực phẩm. Đôi khi chúng tôi cũng mắc phải điều đó. Ý tưởng rằng có một con đường trung đạo – không quá ăn kiêng và cũng không ăn vào mọi lúc – rất hấp dẫn, và là điều chúng tôi muốn chia sẻ. Chúng tôi muốn giúp những người tìm kiếm một sự cân bằng cho riêng họ. Bằng cách kiểm soát thời gian ăn, ít nhất bạn đang kiểm soát một thứ gì đó, và điều này dường như giúp một số người buông bỏ mọi vấn đề về cơ thể và thậm chí cả việc ăn uống mà họ không thể kiểm soát.

Cuốn sách rốt cuộc đã nói nhiều thứ hơn chỉ là những chú chuột may mắn và chế độ ăn kiêng mà theo đó bạn có thể ăn-mọi-thứ, và hơn cả việc giảm cân. Chúng tôi viết về việc gì sao chúng ta có xu hướng ăn quá mức mỗi khi buồn hay stress, và làm cách nào để trở nên lưu tâm hơn đến đồ ăn của mình. Chúng tôi giải thích chuyện Đức Phật nói về dùng đồ uống có cồn và ăn thịt – những điều này có thể làm bạn ngạc nhiên. Tất cả những nghiên cứu mà chúng tôi đã tiến hành trên việc ngủ, tập luyện và dinh dưỡng cũng được đề cập trong cuốn sách này. Chúng tôi thậm chí còn viết về những sai lầm lớn của Đức Phật. (Chẳng ai hoàn hảo cả). Và cuối cùng, tôi nghĩ rằng tôi đã giảm thêm 10 pound nữa trước khi quyết định rằng mình không muốn giảm thêm bất cứ cân nặng nào nữa.”

Dan Zigmond - Giám đốc phân tích dữ liệu của Facebook, đồng thời là một thiền sư

 

Tara Cottrell – nhà văn, chiến lược gia kỹ thuật số

 

Ăn Kiêng kiểu Đức Phật chính thức phát hành tại Việt Nam vào tháng 8.2019

Link đặt mua sách: //www.dtbooks.com.vn/