tinh-vat-chat-cua-su-quan-tam

Tính vật chất của sự quan tâm

Nói một cách đơn giản, các thành viên không di cư của các gia đình xuyên quốc gia nhìn nhận tiền như một đơn vị của sự quan tâm, chăm sóc từ những người bà con di dân của họ. 

Tầm quan trọng của tính vật chất của sự quan tâm đối với sự hình thành của những liên kết tình cảm mạnh mẽ trong các gia đình Việt Nam xuyên quốc gia thể hiện rõ ngay từ thời điểm mà người di cư về Việt Nam thăm nhà, và có thể được đo bằng sự chào đón mà những người thân ở quê hương dành cho họ. Hiểu một cách đơn giản, những người không di cư xem trọng những biểu hiện chăm sóc và tình cảm của thân nhân di cư thông qua tiền bạc; hơn là những biểu hiện yêu thương và quan tâm khác, như mua quà từ Mỹ mang về hay việc giữ liên lạc chặt chẽ với nhau. Khi những người không di cư tập trung để chào đón những người thân di cư về quê thăm nhà, dễ dàng nhận ra sự khác biệt về chất giữa các mối quan hệ mà họ hình thành với những người cho tiền và với những người không cho tiền. Những thân nhân di cư được đối xử với sự quan tâm và ưu ái nhất thường là những người đã cho hộ gia đình không di cư nhiều tiền nhất!

Một trường hợp điển hình: Tuyết và Hân sống ở Orlando, Florida, đều ngoài 40 tuổi, đã lập gia đình và có con. Họ về đây thăm bà con họ hàng, bao gồm các cháu, hai người anh ruột, các chú, và người cha 70 tuổi của họ. 11 người trong số những người thân của họ cùng sống trong một ngôi nhà do cha họ sở hữu. Mặc dù ngôi nhà đó có giá trị cao hơn các ngôi nhà trung bình khác và nằm trong một khu vực đáng mơ ước của thành phố, đa phần các thành viên trong gia đình này vẫn khá nghèo. Rất ít người lớn có việc làm, và họ chỉ có khoản tiền tiết kiệm hầu như không đáng kể. Tuyết và Hân đã giúp gia đình cầm cự trong suốt 15 năm qua.

Do đã có gia đình riêng, và gia đình chồng của họ lại không còn thân nhân ở Việt Nam, Tuyết và Hân ít trở về Việt Nam hơn so với hầu hết những người di cư tham gia phỏng vấn trong nghiên cứu này. Mỗi lần về họ đều đi chung với nhau. Có hai lần chỉ có hai chị em họ về mà thôi, không có chồng con đi cùng (chồng con họ đều chỉ trở về Việt Nam đúng một lần!). Các con họ phần lớn không có liên kết gì với cuộc sống ở đây. Để chứng tỏ là người sống ở ngoại quốc, hai người phụ nữ này khi về thường đeo đồ trang sức và quần áo giống nhau, chẳng hạn như quần jeans và áo thun rõ ràng theo phong cách phương Tây, xài kính mát hàng hiệu...

Những người trở về thường trả tiền thanh toán cho chính các buổi tiệc đón chào họ! Mức độ của thực đơn, trang trí tiệc và số lượng khách rất khác nhau, tùy thuộc vào “ngân sách” của chủ nhân buổi tiệc - người di dân mới về nước. Bà Tuyết trả phần lớn chi phí của buổi tiệc này, một buổi tiệc khá cầu kỳ và chi tiết. Một người cháu của bà là Trọng, 22 tuổi và khá cởi mở,  anh ta nói, “Hôm nay dì Tuyết bao hết tất cả các đồ ăn và thức uống. Dì ấy rất vui vẻ và hào phóng”.

Trọng tự hào tiết lộ rằng anh là một sinh viên kinh tế năm thứ ba tại Đại học RMIT Sài Gòn, một chi nhánh của Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne của Úc (Royal Melbourne Institute of Technology). Trường đại học này nhắm tới các gia đình người Việt Nam không có đủ khả năng hay không muốn cho con đi nước ngoài học đại học. Mức học phí 7.000 đô la mỗi năm không phải là rẻ, dù ít tốn kém hơn du học rất nhiều, nhất là khi nhiều sinh viên RMIT như Trọng vẫn sống với gia đình ngay tại Sài Gòn. Theo học tại RMIT là một biểu hiện danh giá trong phân biệt đẳng cấp vì nó đặt gia đình người sinh viên đó vào tầng lớp ưu tú những người có khả năng trả mức học phí cao! Mặc dù những người đi du học thực sự phải tốn nhiều tiền hơn, nhưng phần lớn họ như thể “vô hình” trong cuộc sống hằng ngày của người Sài Gòn. Sự phân biệt này, tất nhiên, không phải là không bị người dân địa phương nghi vấn, vì sinh viên ở Sài Gòn đại diện cho sự giao thoa của những người giàu Việt Nam hiện thời và những người có tham vọng toàn cầu (global aspirant): họ là con em hoặc người thân của những thành phần chính trị tinh hoa, chủ doanh nghiệp “nhà giàu mới nổi”, những người nước ngoài làm việc ở thành phố, và cộng đồng hải ngoại. Người thân không di cư của cộng đồng hải ngoại nói riêng có một hệ thống phân cấp nội bộ, hệ thống đó phản ánh sự đa dạng thành phần giai cấp của cộng đồng này. Những người như Trọng, có đủ khả năng để theo học RMIT được xếp ngang hàng với những người có tham vọng toàn cầu khác trong trật tự xã hội của Sài Gòn mới. Nhưng hệ thống xếp hạng xã hội đó chỉ dựa vào một loại “vốn” (capital) nhất định. Trọng giải thích cách thu xếp chi trả học phí của mình trong những năm qua như sau:

Ba năm trước, dì Tuyết có nói tôi nên cố gắng đi du học ở Florida, và nếu đi thì tôi có thể ở chung nhà với gia đình dì. Nhưng việc lấy được thị thực qua Mỹ với tôi là khá khó khăn. Ngoài ra, đi du học cũng tốn kém hơn, ngay cả khi tôi có cơ hội sống chung với nhà dì Tuyết. Vì vậy, sau khi cân nhắc thì trường RMIT là một lựa chọn tốt. Học phí ở đây khá đắt so với dân địa phương, nhưng rẻ hơn nhiều so với đi học ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Dì Tuyết sau đó hứa rằng nếu tôi học chăm chỉ, dì sẽ trả học phí cho tôi. Mỗi năm dì gửi tiền cho tôi và số tiền đó dùng vào việc thanh toán học phí. Nếu không có dì, tôi không bao giờ có thể đi học ở một trường như thế này, và tôi biết rằng giáo dục tại RMIT tốt hơn so với bất cứ trường đại học nào khác ở Sài Gòn.

Trọng so sánh hai bà dì của anh rạch ròi bằng các tiêu chuẩn gán cho người chăm sóc. Bà Hân cũng gửi tiền về cho gia đình, nhưng không nhiều như bà Tuyết; do đó bà Hân không được người thân trọng vọng tương đương, như Trọng nêu rõ:

Dì Hân tốt bụng và vui tính, nhưng dì không quan tâm nhiều đến gia đình bằng dì Tuyết. Mọi người đều biết rằng dì Tuyết lo cho gia đình. Dì chăm sóc cho ông nội nhiều hơn những gì mà dì Hân và gia đình dì Hân đã làm. Dì Tuyết gửi tiền về mỗi tháng, còn dì Hân chỉ gửi vào dịp năm mới và vào những dịp đặc biệt, với số tiền nhỏ, như thể chỉ để nói rằng dì vẫn còn nhớ những dịp lễ lộc, như dịp Tết Nguyên đán chẳng hạn...

Các nhà nhân chủng học Mandy Thomas và Allison Truitt thấy rằng tặng quà bằng tiền là một vấn đề bình thường trong xã hội Việt Nam, và riêng với việc tặng quà “xuyên quốc gia” thì người nhận phần nhiều thích tiền mặt hơn quà tặng là hàng hóa. Nhiều người được hỏi bày tỏ rằng những món quà không phải là tiền thì vô ích và lãng phí, và một số cho biết họ đã bán những món quà đó hoặc đem đổi lấy những món hàng khác, thứ mà họ sẽ đi mua nếu được cho tiền.

Do niềm tin mạnh mẽ vào việc thể hiện tình cảm hiếu thảo và yêu thương thông qua việc cho tặng vật chất, đặc biệt là cho tặng tiền, những người trả lời phỏng vấn thường đánh giá những người thân ở nước ngoài qua khả năng họ “biết lo cho gia đình”. Người không di cư đánh giá cao những ai duy trì quan điểm truyền thống về sự hy sinh và nghĩa vụ với gia đình, điều họ xem là một đặc điểm trung tâm của quan hệ huyết thống người Việt.

Là một người chăm sóc tốt cho gia đình chủ yếu có nghĩa là phải gửi tiền về một cách thường xuyên, tốt nhất là gửi tiền mà không cần người nhà phải nhắc hay hỏi xin, tuân theo những nguyên tắc ngầm của quan hệ thân tộc. Do đó, thông thường những thân nhân không di cư sẽ loại bỏ, cả về mặt xã hội lẫn mặt tình cảm, những người từ nước ngoài về thăm mà không có tiền mặt trong tay, hoặc những người không cho thân nhân tiền khi quay trở lại nước ngoài sau thời gian về thăm Việt Nam. “Bạn sống trong một đất nước giàu có như vậy để làm gì, nếu không cho và giúp gia đình bạn?” một phụ nữ trung niên tham gia khảo sát đã đặt ra câu hỏi như thế! Là các đối tượng thụ hưởng sự hy sinh nói trên, những người không di cư xem việc chăm sóc vật chất, đặc biệt là tiền, như một khía cạnh mặc định cho việc định cư ở nước ngoài, và hy sinh vì cuộc sống sung túc của gia đình là một hình thức của quan tâm và yêu thương.

Nói chung, hỗ trợ tài chính cho gia đình là việc quan trọng trong xã hội Việt Nam, nhưng việc hỗ trợ này được đánh giá với các mức độ khác nhau khi nó diễn ra giữa các thành viên không di cư và khi người di cư cho tiền những người ở lại, đặc biệt là trong trường hợp khi không có sự chênh lệch tiền lương tiêu biểu cho quan hệ xuyên quốc gia.

Nói một cách đơn giản, các thành viên không di cư của các gia đình xuyên quốc gia nhìn nhận tiền như một đơn vị của sự quan tâm, chăm sóc từ những người bà con di dân của họ. Họ cảm thấy rằng những người đã xa quê hương phải hỗ trợ tài chính cho những người ở lại, đó là biểu hiện của việc quan tâm, lo lắng cho gia đình. Đối với họ, những người thân ở nước ngoài mà thiếu trách nhiệm về tài chính cho những người ở lại được xem là ích kỷ, hay thường được coi là Việt kiều dỏm.